Johann Sebastian Bach – Concerto I cung Rê thứ, BWV 1052 độc tấu Piano bởi Glenn Gould

Posted on Tháng Năm 24, 2012

0


Thành thật mà nói tôi nghe tác phẩm này lần đầu trên youtube là do thấy Glenn Gould quá… đẹp trai. Nhưng vẻ đẹp của Gould đi đôi với tài năng. Sinh năm 1932 mất năm 1982, người Canada, Glenn Gould nổi tiếng thế giới như một trong những nghệ sỹ vỹ đại nhất thế ký 20. Sự nghiệp biểu diễn của ông được thống trị bởi những tác phẩm của J.S. Bach. Mặc dù vậy, ông còn biểu diễn tác phẩm của rất nhiều nhà soạn nhạc thời kỳ cổ điển như Beethoven, Mozart, Haydn, Brahms, và những nhà soạn nhạc tiền Ba Rốc như Jan Sweelinck và những nhà soạn nhạc của thế kỷ 20 như Paul Hindemith và Arnold Schoenberg. Gould hầu như từ chối biểu diễn các tác phẩm piano thời kỳ lãng mạn, và sau thời trai trẻ, ông còn tránh cả các tác phẩm của Liszt, Schumann, và Chopin.

Ngoài là nghệ sỹ piano, Gould còn là nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, phát thanh viên, và nhà lý luận phê bình âm nhạc. Vào những năm cuối đời, Gould dường như bỏ piano để tập trung vào sự nghiệp của một nhạc trưởng. Tuy nhiên thế giới vẫn biết đến ông nhiều nhất với tư cách một trong những nghệ sỹ piano piano cổ điển danh giá và nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 với phong cách nổi bật ở kỹ năng điêu luyện, và đặc biệt là khả năng biểu hiện được cấu trúc đa âm sắc trong âm nhạc của Bach.

Bản Concerto I cung Rê thứ, BWV 1052 vốn được viết cho độc tấu Harpsichord và bộ dây (gồm violin thứ nhất và thứ hai, viola, phần continuo (bè trầm) được đảm nhiệm bởi cello và violone) nay được thể hiện đầy màu sắc dưới đôi tay điêu luyện của Gould.

Chương 1: Allegro

Chương 2: Adagio

Chương 3: Allegro

Nói về sự ra đời của Concerto I cung Rê thứ, BWV 1052, tác phẩm này được cho là chuyển soạn dựa trên bản concerto cung Rê thứ cho violin của Bach. Bản concerto cho violin sau đó được soạn thành concerto cho đàn organ vào năm 1728 để sử dụng cho các bản cantata (tức bản nhạc soạn cho giọng hát có nhạc cụ chơi kèm) của Bach; chương đầu tiên của bản nhạc dành cho phần mở đầu và chương hợp xướng đầu tiên của bản cantata nhà thờ Wir müssen durch viel Trübsal (Chúng ta phải vượt qua nỗi buồn lớn lao) BWV 146 và chương cuối cho bản catata Ich habe meine Zuversicht auf den getreuen Gott gericht (Con đã đặt niềm tin nơi Chúa chân chính) BWV 188. Bản concerto gốc rất có thể là một trong những bản concerto đầu tiên của Bach và chứng tỏ tài năng bậc thầy của ông, rất giống với phong cách của bản concerto cho violin Grosso Mogul RV208 của Antonio Vivaldi mà Bach đã biết và chuyển soạn thành tác phẩm cho độc tấu organ BWV 594.

Bản chuyển soạn cho đàn harpsichord được thực hiện bằng cách chuyển soạn các phần ripieno cho bộ vỹ (một phần trong một tác phẩm concerto lớn dành cho một nhóm các nhạc cụ độc tấu và ripiento tức toàn bộ dàn nhạc giao hưởng) mà không cần thay thế và tăng cường tương đối phần độc tấu cho harpsichord khiến nó trở lên điêu luyện như bản concerto gốc, đồng thời cho thêm phần hợp xướng để làm tròn hoà âm và khiến cho phát triển phía bên trái bóng bảy hơn. Bản concerto này đáng chú ý nhất ở chương đầu và chương cuối, ở chương giữa, phần bên trái dường như bắt chước giống hệt phần ripieno continuo, và phía bên phải chơi một giai điệu có vẻ là lấy lại y nguyên từ phần dành cho violin.

Chương đầu và chương ba có chung một cấu trúc hoà âm mà dựa vào nó chúng ta có thể có thể phân chia các chương này thành bốn phân đoạn. Đoạn mở đầu của cả hai chương có chủ để là hoà âm chủ (Rê thứ) theo sau bởi sự lên tiếng của âm chủ tương đương (Fa trưởng). Phần thứ hai biến âm sang âm át (La thứ) và sau đó là âm trưởng của nó (Son trưởng). Cuối cùng, phần thứ tư tóm tắt lại chủ để ở âm chủ mà không có sự nối tiếp của âm trưởng.

Tác phẩm này được coi là một trong những bản concerto nổi tiếng nhất trong bộ sưu tập concerto từ thế kỷ 19; Felix Mendelssohn đã biểu diễn nó và Johannes Brahms viết một cadenza cho nó trong bản nhạc phổ xuất bản lần đầu năm 1838 bỏi Nhà xuất bản Kistner. Vào thế kỷ 20, người ta thường biểu diễn và thu âm tác phẩm này với phần độc tấu Piano, mặc dù sau đó, sự phát triển của trào lưu Historically informed performance xuất hiện từ đầu những năm 1960 (một trào lưu biểu diễn trong đó các tác phẩm bám chặt vào những tiêu chuẩn thẩm mỹ của giai đoạn mà nó được thai nghén) khiến cho việc chơi bản concerto này với harpsichord được ưa chuộng trở lại.

Ngoài ra còn có một phiên bản concerto harpsichord chuyển soạn bởi Carl Philipp Emanuel Bach (con thứ tư và là người con thứ hai sống sót của J.S. Bach) vào khoảng năm 1733 hoặc 1734 được lên chỉ mục như tác phẩm BMV 1052a; nó không được thực hiện đặc biệt tốt nhưng lại cho thấy tác phẩm này được gia đình Bach lưu giữ và nghiên cứu ra sao.

Và đây là toàn bộ tác phẩm với độc tấu Harsichord cùng bộ dây.

Cá nhân tôi vẫn thích bản độc tấu piano của Gould hơn, và đây là  chương 1, bản BMV 1052 tôi nghe đầu tiên:

________________

*Ghi chú:
BWV 1052: Là ký hiệu chỉ mục tác phẩm của J.S.Bach. Phần ký tự là viết tắt của Bach-Werke-Verzeichnis (chỉ mục các tác phẩm của Bach), sau đó là số thứ tự tác phẩm nhằm xác định các bản nhạc do Bachbiên soạn. Các tác phẩm được chia nhóm theo chủ đề, không phải theo trình tự sáng tác. Đối với hệ thống các tác phẩm của Mozart người ta cũng có cách lên chỉ mục tương tự. Chẳng hạn bạn có thể thấy ký hiệu K 52 ở tên một tác phẩm của Mozart, trong đó chữ K là viết tắt của Koechel, tên của người đã hệ thống hoá toàn bộ tác phẩm của Mozart và 52 là tác phẩm thứ 52 của Mozart.

Posted in: Classical Music